Mặc dù gần đây nền y học phát triển và có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị ung thư, thế nhưng tỉ lệ tử vong vẫn còn rất cao, thiệt hại rất lớn về thể xác, tinh thần, của cải với người bệnh. Vì thế việc biết được những nguyên nhân gây ung thư và cách phòng tránh ung thư sao cho hiệu quả là vô cùng quan trọng. Chaobacsi.org gửi tới bạn những thông tin cần thiết hữu ích cho vấn đề này!
Ung thư là một bệnh lý ác tính, bản chất là sự tăng sinh không kiểm soát của tế bào trong cơ thể. Ngày nay, người ta đã biết rõ rằng, một tác nhân sinh ung thư có thể sinh ra một số loại ung thư và ngược lại, một loại ung thư cũng có thể do nhiều tác nhân gây ra. 80% ung thư được biết đến là nguyên nhân do đời sống sinh hoạt hằng ngày. Bạn hãy chú ý những vấn đề sau để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này nhé!
1. Hút thuốc lá gây ung thư
Thuốc lá là tác nhân gây ung thư đã được khuyến cáo rất rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Theo các nghiên cứu, thuốc lá gây ra 30% trong tổng số loại ung thư. Trong đó, cụ thể nó là nguyên nhân của 90% ung thư phổi, 75% ung thư miệng, thanh quản, thực quản; ngoài ra còn 5% của ung thư bàng quang.
Trong khói thuốc lá có chứa nhiều hydrocacbon thơm, trong đó phải nói đến các chất là nicotin, 3-4 benzopyren là những chất gây ung thư chủ yếu. Qua nhiều thống kê, bạn có biết, người hút thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc ung thư phế quản cao gấp 10 lần người không hút. Nếu đối tượng hút trên 20 điếu mỗi ngày, nguy cơ sẽ tăng lên 15-20 lần tương ứng. Mỗi điếu thuốc chính là một 1% từng bước cướp đi sinh mạng của nhiều người. Ngoài hút thuốc lá, hút thuốc lào ở Việt Nam cũng làm tăng nguy cơ ung thư miệng.
Đối với người đang hút thuốc mà bỏ thuốc thì nguy cơ ung thư cũng giảm đi.
Với những người không hút thuốc mà sống cùng nhà hay ở cùng không gian hẹp với người hút thuốc thì cũng có nguy cơ ung thư phổi do hút thuốc thụ động. Đặc biệt là đối tượng trẻ em. Mặc dù đã biết rõ tác hại của thuốc lá thế nhưng việc cấm sản xuất, hạn chế tiêu thụ vẫn là một khó khăn.
Thuốc lá – sát thủ hàng đầu gây ung thư phổi (Nguồn: Youtube)
Phương pháp phòng chống ung thư số 1: Không hút thuốc lá, nếu đang hút hãy bỏ ngay, đừng để ảnh hưởng đến con nhỏ và những người xung quanh.
2. Thực phẩm gây ung thư
Yếu tố dinh dưỡng là nguyên nhân đứng thứ hai trong số các tác nhân gây ung thư. Nó chiếm 35% nguyên nhân. Nhiều loại ung thư liên quan đến dinh dưỡng như ung thư thực quản, ung thư thanh quản, ung thư dạ dày, ung thư họng, ung thư nội tiết, ung thư vú,…
Mối liên quan giữa dinh dưỡng và ung thư đến từ hai cơ chế chính. Thứ nhất thực phẩm có chứa chất gây ung thư; thứ hai thực phẩm có chứa chất làm giảm nguy cơ ung thư nhưng không được cung cấp thường xuyên đầy đủ. Một số những loại thực phẩm chính thường gặp hàng ngày có thể gây ung thư chúng ta cần chú ý như:
- Các loại cá, thịt và thực phẩm chế biến sẵn có chất bảo quản, trong đó chứa Nitrit và Nitrat gây ung thư thực quản, ung thư dạ dày.
- Những lại thực phẩm ướp muối như dưa muối hay cá muối, nước mắm rất được ưa chuộng ở Việt Nam có chứa Nitrosamin cũng là tác nhân gây ung thư hàng đầu.
- Thực phẩm nấm mốc chứa chất độc Aflatoxin gây ung thư gan. Đặc biệt là lạc mốc.
- Thực phẩm có chứa màu nhuộm, thuốc trừ sâu cũng là tác nhân gây ung thư gan chính.
- Đồ ăn nướng, thịt nướng gây ung thư do việc nướng trực tiếp trên than có thể gây đột biến gen.
- Thực phẩm hun khói chứa nhiều Benzopyrene là tác nhân gây ung thư.
- Chế độ ăn nhiều dầu mỡ, thịt động vật được biết là liên quan tới ung thư đại trực tràng do khi cơ thể hấp thụ nhiều mỡ, thịt thì sẽ kích thích làm tiết nhiều acid mật và ức chế quá trình biệt hóa các tế bào niêm mạc ruột.
- Khi cung cấp thiếu hoa quả, rau xanh cơ thể cũng sẽ bị tăng nguy cơ ung thư do vitamin, chất xơ trong rau xanh, hoa quả có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư thực quản, ung thư biểu mô, ung thư phổi, ung thư dạ dày,..thông qua quá trình oxy hóa, chống gây đột biến gen.
Vậy, phương pháp phòng chống ung thư số hai:
- Tránh ăn nhiều mỡ, gia vị, ăn các loại thức ăn mốc
- Tránh ăn đồ ăn quá nóng
- Uống rượu vừa phải tránh ung thư gan, khoang miệng, thực quản, phần trên thanh quản.
- Cần tăng cường bổ sung hoa quả, rau, vitamin,…đặc biệt là beta caroten trong các rau quả màu đỏ như cà rốt, cà chua,…
3. Nhiễm tia xạ có thể gây ung thư
Bức xạ ion hóa và bức xạ cực tím là nguyên nhân gây ung thư cũng đáng được đề cập. Người ta biết rằng, sau khi chiếu xạ có thể phát sinh các loại ung thư như ung thư tuyến giáp, ung thư phổi, ung thư bạch cầu, nhưng tỉ lệ này chỉ chiếm 2-3%. Ngoài ra, tia cực tím phát ra từ ánh sáng mặt trời là nguyên nhân gây ung thưa da hàng đầu ở các nước nhiệt đới.
Phương pháp phòng tránh ung thư số 3:
- Che chắn cẩn thận khi tiếp xúc với tia xạ chụp chiếu trong y học hay môi trường làm việc
- Bôi kem chống nắng, che chắn khi trời nắng và đi ra ngoài
4. Một số loài virus gây ung thư
Ung thư có thể bắt nguồn từ một số loài virus. Trong đó, những chủng phổ biến nhất gây ung thư ở người là virus viêm gan B, viêm gan C, virus Epstein-Barr, virus HPV gây ung thư cổ tử cung….
Phương pháp phòng tránh ung thư số 4: Tiêm chủng vacxin là phương pháp hiệu quả nhất để phòng tránh ung thư do virus. Nên tiêm vacxin phòng tránh viêm gan B, viêm gan C. Vacxin phòng ung thư cổ tử cung đặc biệt là tuyp 16, 18, 31, 45.
5. Tác dụng phụ do dùng thuốc
Không nhiều người biết rằng dùng thuốc trong một vài trường hợp có thể là nguy cơ gây ung thư.
- Thuốc hỗn hợp giảm đau chứa phenacetin làm tăng nguy cơ ung thư thận, ung thư biểu mô đường niệu
- Thuốc ức chế miễn dịch azaathoprien có thể gây ung thư da
- Sau khi cấy ghép cơ quan, cơ thể có thể sinh ra phản ứng ức chế, đó cũng là tác nhân làm tăng nguy cơ ung thư
- Đối với phụ nữ có thai, người ta có thể dùng thuốc DES là một loại nội tiết tố để giảm buồn nôn và ngừa dọa sảy thai, nó có thể gây ung thư âm đạo ở đứa trẻ là gái, ung thư tinh hoàn ở bệnh nhân là trai
- Các điều trị thay thế estrogen để giảm triệu chứng mạn kinh hay thuốc ngừa thai làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Nhiều người cho rằng, sử dụng thuốc ngừa thai làm tăng nguy cơ ung thư vú, tuy nhiên đây là vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Trong điều trị, nhiều khi mặc dù biết có tác dụng phụ có thể xảy ra nhưng cần cân đo đong đếm lợi hại để dùng thuốc. Đó là bài toán không hề dễ mà các bác sĩ cần hết sức cân nhắc, người bệnh cũng nên hiểu về bệnh của mình, hiểu đang dùng thuốc gì, điều trị thế nào và điều gì có thể xảy ra.
6. Yếu tố gia đình
Yếu tố gia đình hay gặp nhất là ở ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư võng mạc mắt, bệnh khô da nhiễm sắc tuy nhiên tỉ lệ này không cao.
Nói tóm lại, ung thư là một căn bệnh gây ám ảnh và cách tốt nhất là hãy chủ động phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình. Hãy thường xuyên theo dõi chaobacsi.org để cập nhật nhiều tin tức hữu ích khác bạn nhé!