Rắn cắn là tai nạn thường gặp và được xếp vào nhóm cần xử trí cấp cứu. Thế nhưng, rất nhiều trường hợp vì không hiểu rõ phương pháp xử trí rắn cắn mà làm chậm thời gian cứu chữa và gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Bài viết này BS Vũ Thị Ánh sẽ cùng các bạn ghi nhớ những sai lầm nghiêm trọng cần tránh khi xử trí rắn cắn nhé!
1. Nhận biết một vài loại rắn cơ bản
Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 3000 loài rắn, tính cả trên cạn và dưới nước, trong đó tỉ lệ rắn độc là 20%. Ở Việt Nam có 135 loài rắn, tỉ lệ rắn độc chiếm 25%. Năm 2008, theo bệnh viện Bạch Mai thống kê, trong tổng số ca bị rắn cắn đến cấp cứu tại viện, rắn thường chiếm 25%, rắn hổ chiếm 31%, rắn cạp nia chiếm 12,5%, rắn lục chiếm 5,5% và một vài loại rắn độc ít gặp khác chiếm 11%.
Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, đặc biệt vào mùa thu, mùa hè ở những nơi ao hồ hay cây cỏ rậm rạp, việc xuất hiện rắn độc khá phổ biến. Vì vậy, chúng ta cần chủ động các phương pháp phòng tránh rắn cắn cũng như nắm được phương pháp xử trí để phản xạ ngay nếu không may gặp trường hợp này. Với cấp cứu, mỗi giây mỗi phút đều là mạng sống.
3 nhóm rắn độc chủ yếu hay gặp ở Việt Nam là: rắn hổ, rắn lục và rắn biển.
Nhóm rắn hổ:
Nhóm rắn hổ bao gồm rắn cạp nong, cạp nia, hổ chúa, hổ phì.
- Rắn cạp nong: thân mang màu vàng đen xen kẽ, đuôi tù, thân hình tam giác
- Rắn cạp nia: khoang đen và trắng xen kẽ nhau, đuôi tù, thân hình tròn
- Rắn hổ chúa: là loại rắn độc lớn nhất ở Việt Nam, chiều dài có thể lên tới 7 mét, cổ bành ra theo chiều dọc, trên đầu không có hình vòng kính.
- Rắn hổ phì: trên đầu có thể có một hoặc 2 vòng kính, khác với rắn hổ chúa là rắn hồ phì bành cổ theo chiều ngang.
- Cơ chế gây độc ở nhóm rắn hổ chủ yếu là ngăn cản sự di chuyển ion trên tế bào thần kinh dẫn đến liệt.
- Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng khởi đầu thường là tê lưỡi, đau đầu, đau cơ do tổn thương các dây thần kinh vùng hầu họng, dần dần sẽ dẫn tới liệt cơ: liệt cơ nâng mi gây khó mở mắt, khó há miệng, nhìn mờ, liệt cơ hô hấp, liệt các cơ tay chân.
- Tổn thương tại chỗ cắn: Với rắn cạp nong, cạp nia thì vết thương rất nhỏ, nhiều khi chỉ như 2 vết kim châm và không gây đau nhức. Ngược lại, cùng thuộc nhóm rắn hổ nhưng rắn hổ phì, hổ chúa lại gây tổn thương tại chỗ rõ rệt, hoại tử phù nề nhanh chóng lan rộng, đau nhức nhiều.
Nhóm rắn lục:
- Đặc điểm cơ bản nhất của nhóm rắn lục là màu xanh lá cây với nhiều mức độ khác nhau, đầu có hình tam giác, hai răng độc nhọn nằm ở hàm trên.
- Cơ chế gây độc chủ yếu là tổn thương mạch máu, rối loạn đông máu.
- Tổn thương tại chỗ: Chỉ sau khi bị rắn cắn vài phút, vết thương sưng tấy nhanh, hoại tử rộng, do rối loạn đông máu nên máu chảy không cầm được, vết cắn đau nhức khó chịu. Tổn thương diễn biến nhanh chóng, sau 6 giờ chi bị cắn sưng nề, tím; sau 12h thì hoại tử, chất độc lan nhanh lên phía trên theo đường đi của bạch mạch gây phía trên và quanh tổn thương sẽ đau nhiều, phù cứng và tím.
- Toàn thân do mất máu nên biểu hiện tụt huyết áp, chóng mặt, hoa mắt, các biểu hiện chảy máu dưới da, chảy máu chân răng, nôn, ỉa máu.
Nhóm rắn biển:
- Hình thái gần giống với rắn hổ đất nhưng điểm khác biệt là đuôi bơi chèo thích ứng với môi trường nước.
2. Phân biệt rắn độc và rắn không độc
Khi bị rắn cắn ngoài việc dựa vào đặc điểm bên ngoài của loài rắn để nhận diện rắn độc hay không độc, chúng ta còn có thể chú ý các dấu hiệu là vết răng để lại.
- Rắn thường thì dấu răng là một vòng cung, khoảng cách các vết răng đều nhau. Rắn độc sẽ có hai vết răng là 2 móc độc sẽ sâu hơn hẳn các vết răng khác.
- Rắn lành cắn sẽ không có dấu hiệu xuất huyết, hoại tử, có thể đau và phù nề nhưng không lan tỏa.
Nhưng nói chung, khi bị rắn cắn không phân biệt rõ là rắn độc hay không độc, trước hết vẫn hãy xử trí tại chỗ đúng cách rồi nhanh chóng gọi cấp cứu tới bệnh viện để đề phòng mọi tình huống xấu nhất xảy ra.
3. Các bước sơ cứu rắn cắn
Sơ cứu rắn cắn đúng cách là giai đoạn vô cùng quan trọng để kéo dài thời gian độc di chuyển trong cơ thể trước khi bệnh nhân vào được tới viện. Hãy ghi nhớ cách làm sau và tránh những sai lầm không đáng có bạn nhé.
- Bước 1: Khuyên nhủ người bệnh, trấn an tinh thần. Tháo những đồ đạc ở chi tổn thương để tránh đè áp gây cản trở lưu thông mạch máu. Rửa vết thương bằng nước.
- Bước 2: Dùng băng vải, có thể là quần áo, khăn bản rộng để băng ép trên vị trí tổn thương 5 đến 10 cm. Việc băng ép không dùng khi rắn lục cắn.
- Bước 3: Dùng nẹp để nẹp tay chân bị tổn thương, để tay thấp hơn so với vị trí của tim, không để người bệnh tự đi lại, chạy nhảy. Mục đích là để cố định chi tổn thương vì vận động sẽ làm chất độc bị vận chuyển nhanh hơn.
- Bước 4: Nếu bệnh nhân có biểu hiện khó thở thì thực hiện hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt.
- Bước 5: Dùng phương tiện vận chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế.
4. Những sai lầm nghiêm trọng khi xử trí rắn cắn làm tăng nguy cơ tử vong
- Sai lầm số 1: Ga rô thay vì băng ép: Về bản chất, chất độc di chuyển theo đường bạch mạch chứ không di chuyển theo đường máu (vì rất ít khi răng độc của rắn cắn chính xác vào mạch máu lớn), bởi vậy băng ép bằng vải bản rộng trên vết thương mới giúp giảm tốc độ di chuyển của chất độc, việc ga rô không chỉ không có tác dụng mà còn gây nguy hiểm hơn cho bệnh nhân. Ga rô sẽ làm cản trở hoàn toàn mạch máu dẫn đến thiếu máu chi, tăng hoại tử, nhiều khi người bị rắn cắn phải cắt cụt chi không phải do độc rắn mà do ga rô. Thêm vào đó, đến viện khi nhân viên y tế tháo ga rô, độc sẽ ùa ạt về tim.
- Sai lầm số 2: Băng ép quá chặt: Băng ép quá chặt cũng gây đến hậu quả như ga rô, làm cản trở lưu thông động mạch, khi băng ép cần đảm bảo vẫn bắt được mạch ở chi tổn thương.
- Sai lầm số 3: Trích rạch tại vị trí tổn thương: Trong khi sơ cứu do vội vàng việc trích rạch thậm chí dẫn tổn thương thần kinh, mạch máu lân cận.
- Sai lầm số 4: Hút độc bằng miệng hoặc giác hút. Biện pháp này không mang lại nhiều hiệu quả. Đã có những khuyến cáo rằng việc làm này làm mất thêm thời gian cấp cứu và gây hại cho người tai nạn.
- Sai lầm số 5: Chườm đá cũng không mang lại hiệu quả thậm chí có hại.
- Sai lầm số 6: Không đưa đến bệnh viện mà dùng thuốc lá dân gian cổ truyền. Đây là sai lầm nghiêm trọng làm mất thêm thời gian để cứu sống bệnh nhân.
Với bài viết trên đây, bác sĩ hi vọng đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích về cách xử trí sơ cứu rắn cắn để cùng với các y bác sĩ dành được cơ hội sống cao nhất cho người bệnh. Thường xuyên truy cập chaobacsi.org để nhận những thông tin cần thiết với sức khỏe và cuộc sống bạn nhé!