Trước tình hình dịch bệnh COVID 19 diễn biến phức tạp, Bộ Y Tế khuyến cáo cả nước cần đồng lòng, nhất trí, người dân cần nâng cao y thức tự phòng chống bệnh. Nếu ở diện theo dõi, cần khai báo trung thực, nhanh chóng để thực hiện cách ly theo quy định. Vậy làm sao biết mình có phải đối tượng cách ly hay không và nếu có thì cách ly bậc mấy. Hãy làm theo quy trình phân loại đối tượng cách ly Covid 19 cụ thể do Bộ Y Tế ban hành sau đây bạn nhé!
Danh sách 30 bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam đến 09/03/2020
Tính đến hiện tại, ngày 09/03/2020, Việt Nam đã công bố 30 trường hợp chính xác nhiễm COVID 19 và thực hiện điều trị cách ly. Kéo theo đó, những người tiếp xúc gần thuộc F1, F2, F3 cũng cần thực hiện cách ly theo đúng quy định của Bộ Y Tế.
Danh sách 30 bệnh nhân mắc COVID:
- 16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn
- 01 phụ nữ, 26 tuổi, tại Hà Nội đi thăm chị gái tại Anh và qua Italy, Pháp và trở về Hà Nội ngày 2/3/2020 (Bệnh nhân 17).
- 01 nam giới, 27 tuổi, quê Thái Bình đến Daegu (Hàn Quốc) và trở về Việt Nam ngày 4/3/2020 (Bệnh nhân 18).
- 02 người tiếp xúc gần với bệnh nhân 17 đã xác định nhiễm COVID-19 ngày 6/3 (Bệnh nhân 19, bệnh nhân 20).
- 01 nam giới, 61 tuổi ở Hà Nội, là người ngồi gần hàng ghế trên chuyến bay với bệnh nhân 17 (Bệnh nhân 21).
- 09 người là hành khách nước ngoài bay trên chuyến bay với bệnh nhân 17 từ Anh về Việt Nam (từ Bệnh nhân 22 đến Bệnh nhân 30).
- Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP.HCM (03); Khánh Hòa (01); Thanh Hóa (01); Hà Nội (04); Ninh Bình (01); Quảng Ninh (04); Lào Cai (02); Đà Nẵng (02); Huế (01).
- Số ca xét nghiệm COVID-19 âm tính: 2.138 trường hợp.
Ở thời điểm hiện tại, người dân cả nước cần nâng cao ý thức phòng tránh dịch, nếu nhận thấy bản thân hoặc người thân là đối tượng nguy cơ cần ngay lập tức liên hệ với số điện thoại đường dây nóng 19009095 để được hướng dẫn xử trí. Việc không chấp hành nghiêm các quy định cách ly sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đáng tiếc đến toàn thể cộng đồng, gia đình và xã hội.
Một lần nữa, trích nguyên lời phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng ban phòng chống dịch COVID-19: “Thực tế, từ hơn 2 ngày nay, chúng ta đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Giai đoạn 2 khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 nước. Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây. Thực tế virus Covid-19 đã xâm nhập vào nước ta và ‘đang âm thầm mai phục’. Nếu chúng ta không làm tốt sẽ gặp tình huống ‘trong đánh ra, ngoài đánh vào”…”Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Khi virus đã vào Việt Nam thì việc phát hiện sớm để ngăn chặn vô cùng quan trọng”…”Nếu toàn dân đồng lòng chống dịch, nhất định sẽ chiến thắng COVID-19”.
Trên thực tế, dù đã được khuyến cáo nhưng rất nhiều người dân còn hoang mang, không biết mình có thuộc đối tượng cách ly hay không? Nếu có thì thuộc F mấy, F0, F1 hay F2, F3?
Quy trình phân loại đối tượng cách ly Covid 19 cụ thể do Bộ Y Tế ban hành
Mới đây, Bộ Y Tế đã ban hành hướng dẫn cụ thể về việc phân loại và cách ly cho từng đối tượng. Cụ thể:
- F0: Là đối tượng được xác định dương tính với COVID 19, cần thực hiện điều trị cách ly, trong quá trình điều trị cố tự phục vụ để hạn chế lây cho mọi người.
- F1: Người tiếp xúc gần với F0, có nghi nhiễm, báo cho y tế quận và đi cách ly tại bệnh viện. Đồng thời tự báo cho F2 của mình.
- F2: Tiếp xúc với người nghi nhiễm F1. Báo cho y tế quận rồi làm theo hướng dẫn cách ly. Tự báo cho F3.
- F3: Tiếp xúc với đối tượng nghi nhiễm F2. Nâng cao ý thức tự cách ly tại nhà.
- F4, 5: Có tiếp xúc với F3. Cần theo dõi cập nhật tình hình các F trên.
Hướng dẫn tự cách ly y tế tại nhà để phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19
Nếu bạn hoặc phát hiện người thuộc đối tượng F0, F1, F2 cần liên hệ ngay với đường dây nóng để được hướng dẫn cách ly tại cơ sở y tế.
Nếu nghi ngờ nhiễm virus COVID 19 thì khám ở đâu?
Nếu bạn thuộc đối tượng F3, hãy nhớ thực hiện đầy đủ các điều sau tại nhà để việc cách ly được đảm bảo:
- Báo cáo y tế cho cơ sở y tế địa phương
- Cách ly đủ 14 ngày (Trừ khi chưa hết hạn cách ly nhưng đối tượng F2 được chẩn đoán âm tính với COVID 19)
- Trong thời gian cách ly tuyệt đối không đi khỏi nơi cư trú, hạn chế tiếp xúc với thành viên trong gia đình khi không cần thiết, nếu có tiếp xúc, đeo khẩu trang y tế và cách xa ít nhất 2m
- Sử dụng vật dụng, dụng cụ riêng, không ăn chung cùng gia đình, tự chăm sóc bản thân để hạn chế nguy cơ cho thành viên trong gia đình
- Tự đo nhiệt độ cơ thể sáng chiều mỗi ngày 2 lần và báo lại cho cán bộ phụ trách y tế địa phương
- Báo ngay cho cán bộ y tế hoặc gọi đường dây nóng nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở
- Thường xuyên sử dụng dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay
- Tự giác thu gom khẩu trang, giấy lau, chất thải vào một vị trí riêng trong phòng để tiêu hủy
Những lưu ý với người nhà khi trong gia đình có người đang thực hiện cách ly y tế:
- Hằng ngày chú ý hạn chế tiếp xúc với người cách ly, nếu có đảm bảo khoảng cách ít nhất 2 mét và có đeo khẩu trang y tế
- Không tụ tập đông người tại gia đình
- Hằng ngày lau sàn nhà, lau tay nắm cửa, các vật dụng thường xuyên cùng tiếp xúc với người bệnh bằng dung dịch sát khuẩn
- Động viên, chia sẻ với người cách ly y tế
- Cung cấp nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết cho người cách ly
- Báo ngay cơ quan y tế nếu người cách ly có biểu hiện sốt, ho, khó thở
Hi vọng bài viết trên đây, Chaobacsi đã gửi tới bạn những thông tin hữu ích, cần thiết để phòng ngừa chủng viêm phổi mới do COVID – 19. Đừng quên theo dõi chaobacsi.org để cập nhật thêm nhiều thông tin mới bạn nhé!