Tẩy giun cho trẻ là việc làm cần thiết nhưng không phải ai cũng biết thực hiện đúng cách. 4 điều cần biết về tẩy giun cho trẻ sau đây thực sự cần cho bạn.
Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm giun nhất do chưa ý thức được việc giữ gìn vệ sinh, nhất là trẻ em ở nông thôn. Để việc tẩy giun cho trẻ đúng cách và đạt hiệu quả cao, ba mẹ cần chú ý những vấn đề sau.
1. Vì sao cần tẩy giun cho trẻ
Khi trẻ nhiễm giun sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Giun sinh sôi trong ruột non, ăn hết các dưỡng chất có trong ruột khiến cơ thể không được hấp thu chất dinh dưỡng khiến bé còi cọc. Đó cũng là lý do vì sao nhiều trẻ ăn uống tốt nhưng vẫn không lên cân. Bên cạnh đó, giun ký sinh trong cơ thể còn có thể gây ra nhiều nguy cơ khác, như tắc ruột, giảm thị lực, mệt mỏi, hen suyễn…, thậm chí có thể bị động kinh nếu giun lên não. Vì vậy, việc tẩy giun cho trẻ là điều cần thiết không được bỏ qua.
2. Khi nào nên tẩy giun cho trẻ?
Thời điểm trẻ được 2 tuổi là có thể bắt đầu tẩy giun cho trẻ. Có nhiều loại giun khác nhau như giun kim, giun tóc, giun móc, giun đũa…. Mỗi loại giun sẽ có thuốc đặc trị riêng. Vì vậy ba mẹ nên đưa trẻ đi xét nghiệm để xác định chính xác loại giun gì, từ đó thuốc điều trị phù hợp.
Nên tẩy giun cho trẻ định kỳ 6 tháng một lần để diệt hoặc giảm trừ lượng giun trong cơ thể. Nên cho cả gia đình tẩy giun định kỳ cùng một đợt để tránh lây nhiễm chéo, làm giảm đi hiệu quả tẩy giun.
Tuy nhiên việc tẩy giun định kỳ 2 lần một năm là không bắt buộc. Ba mẹ có thể dựa vào các yếu tố nguy cơ hoặc dấu hiệu tình nghi trẻ bị nhiễm giun để tiến hành tẩy giun cho trẻ. Các dấu hiệu trẻ bị nhiễm giun thường thấy như:
- Trẻ hay đau bụng, nhất là đau khi đói, bụng to trương cứng bất thường.
- Trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng; hoặc ăn tốt nhưng không tăng cân;
- Trẻ bị tắc ruột do giun sinh trưởng quá nhiều ở ruột;
- Da xanh xao, mệt mỏi, kém tập trung;
- Ngứa ở hậu môn về đêm;
- Nếu giun di chuyển lên phổi, não, mắt… có thể gây ra các triệu chứng như hen suyễn, u não, động kinh, giảm thị lực…
Khi thấy trẻ có các dấu hiệu trên, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được xét nghiệm và có phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.
Với trẻ dưới 2 tuổi, nếu phát hiện có các dấu hiệu bị nhiễm giun như trên cũng cần được tiến hành tẩy giun. Tuy nhiên việc tẩy giun cho trẻ dưới 2 tuổi cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
3. Các loại thuốc tẩy giun cho trẻ
Để tẩy giun cho trẻ có thể dùng một số loại thuốc sau:
- Albendazol: Làm giảm năng lượng, giảm dự trữ glycogen và ức chế sự hấp thu glucose ở ấu trùng giun và giun trưởng thành, từ đó khiến giun bất động và chết.
- Mebendazol: Làm giảm dự trữ glycogen và ức chế sự phát triển của giun. Nhu động ruột sẽ đẩy giun ra ngoài.
- Pyratel: Có tác dụng phong bế thần kinh – cơ của giun khiến giun bị tê liệt. Giun sẽ được đẩy ra ngoài cùng chất thải khi đi đại tiện.
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng (dùng để tẩy loại giun nào) sẽ có liều dùng tương ứng. Trước khi sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn, hoặc có sự chỉ định cụ thể của thầy thuốc hay bác sĩ chuyên khoa. Tránh trường hợp dùng quá liều có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
4. Cách đề phòng nhiễm giun ở trẻ
Để đề phòng và hạn chế tình trạng nhiễm giun ở trẻ, cần tập cho trẻ thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân, như rửa tay sạch trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi chơi ở nơi công cộng; thực hiện ăn chín uống sôi, rửa sạch đồ chơi của bé; hạn chế cho bé lăn lê bò trườn trên nền bẩn…
Hi vọng một số thông tin trên sẽ giúp bố mẹ hiểu hơn về tầm quan trọng cũng như cách tẩy giun cho trẻ sao cho hiệu quả.