Mắc bệnh cúm khi mang thai có thể để lại di chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Hãy đọc bài viết sau để biết cách phòng tránh tốt cho mẹ và bé nhé!
1. Vì sao mẹ bầu dễ bị cúm
Bệnh cúm dễ lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp bởi đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây nên. Mẹ bầu trong thời gian mang thai có khả năng miễn dịch yếu đi nên dễ bị cúm hơn so với những người khác. Vì vậy trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần chú ý đến sức khỏe của mình để tránh bị cúm.
2. Dấu hiệu và nguy cơ với mẹ bầu khi bị cúm
Khi bị cúm, mẹ bầu thường có những biểu hiện như nhức đầu, sổ mũi, sốt, toàn thân nhức mỏi, người lúc nóng lúc lạnh…, sau khi hết sốt có kèm theo các triệu chứng như ngạt mũi, chảy mũi, đau họng…khiến thể lực mẹ bầu bị tiêu hao và chậm hồi phục.
Trong một số trường hợp, cảm cúm khi mang thai có thể dẫn đến viêm phổi. Thậm chí, các loại virus cúm còn có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng của mẹ bầu như suy tim, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết….
3. Các nguy cơ với thai nhi khi mẹ bầu bị cúm
Bị cúm khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu, mà nguy hiểm hơn là có thể để lại nhiều nguy cơ đối với thai nhi, đặc biệt là trong những tháng đầu thai kỳ. Một số biến chứng nguy hiểm đối với thai nhi gồm:
- Sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non do virus kích thích tử cung co bóp. Trường hợp nếu trẻ bị sinh non sẽ khó giữ được tính mạng khi mẹ bị cúm mà không được chữa trị đúng cách, kịp thời.
- Nguy hiểm và đáng lo hơn chính là các dị tật thai nhi có thể mắc phải, như hở hàm ếch, hở van tim bẩm sinh, dị tật trên cơ thể… ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bé sau này.
- Mẹ bầu bị cúm còn có thể gây ra tình trạng rối loạn tâm thần khi bé trưởng thành. Nguyên nhân bởi não bộ thai nhi rất dễ tổn thương. Các virus cúm lây từ mẹ sang thai gây tác động xấu đến hệ miễn dịch của thai nhi. Nếu mẹ bầu uống thuốc cảm cúm mà không có sự chỉ định của bác sỹ, nguy cơ đối với thai nhi sẽ càng nguy hiểm hơn.
Nếu cúm khi mang bầu ở giai đoạn thai kỳ từ tuần 12 đến tuần 25 thì sẽ ít ảnh hưởng đến thai nhi hơn. Bị cúm sau tuần 25, mẹ bầu cần đề phòng nguy cơ sinh non.
4. Phòng tránh cảm cúm khi mang bầu
Để tránh các nguy cơ có thể xảy ra với mẹ bầu và thai nhi, mẹ bầu cần trang bị cho mình kiến thức phòng tránh cảm cúm khi mang thai. Mẹ bầu cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Trước khi có ý định sinh con, nên tiêm vắc xin phòng cúm trước khi mang thai ít nhất 1 tháng.
- Ăn uống đủ chất, tăng cường ăn các loại rau củ quả chứa nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
- Giữ sạch đường hô hấp bằng cách thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài, vệ sinh mũi họng thường xuyên, tránh đến những nơi đông người, nhất là những nơi đang có dịch, tránh tiếp xúc với những người đang bị cúm.
- Tránh căng thẳng, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, luôn thoải mái.
Trong thời gian mang bầu, nếu phát hiện cơ thể có các biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi, sổ mũi… nên đi khám bệnh. Trường hợp bị cúm khi mang thai cần dùng đến thuốc thì phải có sự chỉ định của bác sỹ, tránh tình trạng dùng thuốc lung tung có thể gây nguy hiểm đến thai nhi.