Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh thường gặp về đường hô hấp, nhất là vào thời điểm giao mùa. Vậy nguyên nhân và cách phòng bệnh viêm mũi dị ứng như thế nào?
Bệnh viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh về đường hô hấp thường gặp hiện nay. Bệnh xảy ra do một số yếu tố như thời tiết, phấn hoa, khói bụi…Khi tiếp xúc với các tác nhân này, người bệnh sẽ có những biểu hiện như hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mắt…
Bệnh viêm mũi dị ứng được chia thành hai dạng, là viêm mũi dị ứng có chu kỳ và viêm mũi dị ứng không có chu kỳ.
- Viêm mũi dị ứng có chu kỳ: Viêm mũi dạng này thường xảy ra lúc thời tiết giao mùa (đầu mùa lạnh và đầu mùa nóng). Biểu hiện đặc trưng là hắt hơi liên tục, ngứa mũi, chảy nước mũi…nhất là vào buổi sáng, sau đó dịu dần về cuối ngày.
- Viêm mũi dị ứng không có chu kỳ cũng có các biểu hiện như trên, nhưng có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào mà không phụ thuộc theo mùa hay thời tiết.
Khi viêm mũi dị ứng kéo dài và trở thành mãn tính, người bệnh thường xuyên nghẹt mũi, nhức đầu, ù tai, thậm chí có thể gây nên tình trạng loạn khứu giác.
Bệnh viêm mũi dị ứng không quá nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy phát hiện và sớm có hướng điều trị phù hợp, kịp thời là điều cần thiết với những người bị bệnh viêm mũi dị ứng.
Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng
Có hai nhóm nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm mũi dị ứng, là nguyên nhân từ các yếu tố bên ngoài và các yếu tố bên trong.
Các yếu tố bên ngoài như khói bụi, nấm mốc, phấn hoa, lông chó, mèo, độ ẩm…khi tiếp xúc với người bệnh, nhất là những người có cơ địa dị ứng sẽ gây nên viêm mũi dị ứng.
Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm như hải sản, trứng, sữa, đậu, thuốc kháng sinh…cũng có thể gây nên tình trạng dị ứng.
Ngoài ra, bệnh viêm mũi dị ứng còn do di truyền. Trong gia đình, nếu bố hoặc mẹ bị viêm mũi dị ứng thì tỷ lệ di truyền cho đời sau là khoảng 70%.
Cách phòng và điều trị bệnh viêm mũi dị ứng
Những người có cơ địa dị ứng cần biết cách phòng tránh để bệnh không có cơ hội phát triển.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa, chó, mèo, khói thuốc lá, những nơi ẩm thấp…
- Vào mùa lạnh hay thời tiết giao mùa, cần giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, ngực, mũi, miệng. Khi đi ra ngoài trời lạnh hoặc những nơi độc hại cần đeo khẩu trang. Tránh hít phải luồng không khí lạnh, khô một cách đột ngột. Hạn chế tiếp xúc với máy lạnh, điều hòa…
- Buổi sáng dậy nên thực hiện một số động tác để làm ấm vùng mũi như dùng hai ngón tay day day hai bên cánh mũi, tập thở ra hít vào chừng vài phút.
- Bên cạnh đó, bạn cũng cần vệ sinh tai, mũi, họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý để vùng mũi và hầu họng luôn sạch. Tránh vi khuẩn sinh sôi gây bệnh.
- Khi nghẹt mũi hay chảy mũi, nên uống nhiều nước làm loãng dịch nhầy, giúp dịch nhầy thoát ra ngoài dễ dàng hơn, tránh ứ đọng gây viêm nhiễm.
Khi mắc bệnh viêm mũi dị ứng, ngoài việc thực hiện các biện pháp trên thì cần tiến hành điều trị bằng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để chữa dứt điểm. Nếu để bệnh kéo dài, bệnh có thể tiến triển thành viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản hay hen suyễn…sẽ khó chữa trị hơn.
Hi vọng một số thông tin trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về bệnh viêm mũi dị ứng cũng như cách phòng tránh sao cho hiệu quả.