Táo bón là một trong những tình trạng thường gặp ở trẻ nhưng nếu táo bón ở trẻ kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không chữa trị kịp thời.
Táo bón ở trẻ kéo dài là tình trạng táo bón diễn ra trên 1 tháng, hoặc tái đi tái lại nhiều lần mà không có dấu hiệu thuyên giảm. Táo bón có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng trẻ em là đối tượng thường gặp nhất, trong đó nhiều nhất là giai đoạn 6 tháng đến 3 tuổi.
Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ
Táo bón ở trẻ có thể do một trong các nguyên nhân sau:
- Do chế độ ăn uống thiếu hợp lý: Trẻ ít ăn rau, ít uống nước là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng táo bón.
- Do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn chỉnh.
- Do tâm lý: Trẻ thường sợ hãi, nín nhịn đi ngoài, lâu ngày dẫn đến táo bón
- Ngoài ra, táo bón còn có thể xuất phát từ một số bệnh lý khác, như bệnh phình đại tràng bẩm sinh, bệnh suy giáp trạng, rối loạn tủy, dị dạng cột sống…
Táo bón ở trẻ kéo dài: hậu quả khôn lường
Do tình trạng táo bón ở trẻ khá phổ biến nên nhiều bố mẹ vẫn thường chủ quan và không tìm cách để điều trị. Thực tế, trẻ bị táo bón kéo dài có thể gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm.
Táo bón kéo dài khiến phân tích tụ lâu ngày trong ruột gây chướng bụng, đầy bụng, chán ăn. Từ đó dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, chậm lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và trí tuệ.
Bên cạnh đó, khi phân tích tụ lâu ngày còn có khả năng gây nhiễm độc cơ thể, suy giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh.
Việc táo bón ở trẻ kéo dài còn khiến cho phân trở nên cứng hơn, bé phải dùng sức để rặn khi đi ngoài khiến bé bị đau, gây tình trạng nứt kẽ hậu môn, chảy máu khi đi ngoài…
Nguy hiểm hơn, việc tích tụ phân trong ruột lâu ngày gây cản trở quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể. Tình trạng kéo dài gây nên bệnh trĩ, bệnh sa trực tràng, thậm chí nguy hiểm hơn là ung thư trực tràng.
Cách phòng tránh và xử trí khi trẻ bị táo bón
Để phòng tránh táo bón ở trẻ, mẹ nên tập cho bé thói quen ăn uống khoa học. Ăn nhiều ranh xanh, uống nhiều nước để cung cấp nước và chất xơ cho cơ thể, giúp tiêu hóa tốt. Tập cho bé đi vệ sinh hằng ngày vào một giờ nhất định, như buổi sáng trước khi ngủ dậy hoặc buổi chiều sau khi ăn bữa chiều hoặc đi học về.
Khi bé có các dấu hiệu của táo bón, mẹ nên tìm cách xử lý ngay tại nhà. Mẹ có thể áo dụng một số biện pháp như:
- Cho bé ăn nhiều thức ăn nhuận tràng như khoai lang, đu đủ, chuối, sữa chua, các loại nước ép hoa quả…
- Cho bé uống nhiều nước.
- Thường xuyên xoa bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ để kích thích nhu động ruột hoạt động đẩy phân ra ngoài.
- Có thể dùng đến một số biện pháp hỗ trợ như dùng dụng cụ để bơm, thụt hậu môn, uống thuốc nhuận tràng… Tuy nhiên khi sử dụng thuốc nhuận tràng, cần hỏi ý kiến bác sỹ chuyên khoa để sử dụng đúng liều lượng. Nếu sử dụng sai liều có thể dẫn đến tiêu chảy.
Trong trường hợp đã áp dụng các cách trên mà bé vẫn không đi ngoài được, hoặc tình trạng táo bón ở trẻ thường xuyên tái đi tái lại nhiều lần thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện để được thăm khám và tư vấn.