Biết cách vệ sinh mũi cho trẻ sẽ giúp trẻ thông thoáng đường thở, ngừa các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang,… để bé luôn khỏe mạnh.
Vì sao phải vệ sinh mũi cho trẻ
Mũi được ví như một màng lọc, giúp lọc sạch bụi bẩn, vi khuẩn gây bệnh trong không khí trước khi đưa không khí vào phổi. Sau một thời gian, mũi sẽ tích tụ nhiều cặn bẩn, lâu ngày tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi phát triển gây bệnh. Vì vậy, vệ sinh mũi cho trẻ đúng cách không chỉ giúp làm sạch mũi, thông thoáng đường thở mà còn giúp ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp có thể xảy ra. Trẻ em có sức đề kháng yếu nên càng dễ mắc bệnh.
Khi nào nên vệ sinh mũi cho trẻ?
Rửa mũi là cần thiết, tuy nhiên không phải cứ rửa nhiều là tốt. Nếu lạm dụng việc rửa mũi cho bé có thể làm mất đi lớp nhầy tự nhiên bảo vệ mũi cho trẻ, làm tăng nguy cơ khô mũi, viêm mũi.
Với trẻ khỏe mạnh bình thường, mẹ chỉ cần nhỏ nước muối sinh lý mỗi ngày một lần khi làm vệ sinh mặt mũi để phòng bệnh. Trường hợp bé đã bị viêm mũi (chảy mũi, nghẹt mũi do nhiều dịch nhầy…) thì cần thực hiện phương pháp rửa mũi hằng ngày bằng nước muối sinh lý nồng độ 0,9%.
Cách vệ sinh mũi cho trẻ
Chuẩn bị:
- Lọ nước muối sinh lý nồng độ 09%
- Dụng cụ hút, rửa mũi
- Khăn khô sạch
Cách thực hiện:
Đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh (chưa biết ngồi)
Đặt trẻ nằm nghiêng trên bàn hoặc giường, đầu thấp, mông cao. Nên lót phía dưới đầu bé một chiếc khăn để thấm nước khi rửa. Dùng một tay giữ nhẹ đầu bé tránh bé giãy dụa.
Nếu bé mới chỉ bị chảy mũi nhẹ, bạn có thể tiến hành rửa mũi luôn. Cho phần đầu tròn của lọ nước muối sát mũi trên của bé, nhỏ vài lần dứt khoát nhưng không quá mạnh tay vào mũi phía trên để nước muối đi qua mũi và chảy xuống mũi bên dưới.
Thực hiện vài lần để rửa sạch mũi, sau đó dùng khăn mềm lau sạch.
Cho bé nằm nghiêng sang bên kia và thực hiện tương tự để làm sạch đều cả hai bên cánh mũi.
Nếu bé bị nghẹt mũi do dịch mũi nhiều và khô cứng, trước khi rửa mũi nên nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi để làm lỏng chất dịch. Một lúc sau mới tiến hành rửa mũi theo các bước trên.
Đối với trẻ đã biết ngồi
Với các trẻ đã biết ngồi, khi rửa mũi cho trẻ nên để trẻ ngồi trong lòng mình.
Cho trẻ ngồi vào lòng, hướng mặt về phía trước. Để đầu bé hơi nghiêng sang một bên, một tay giữ đầu bé cố định. Không để bé ngồi thẳng tránh dịch mũi chảy ngược lên trên gây viêm tai hoặc xuống phổi.
Dùng tay còn lại bóp nước muối sinh lý vào phần lỗ mũi cao hơn, nước muối sẽ chảy sang bên phần lỗ mũi thấp hơn. Mẹ cần chuẩn bị sẵn một chiếc khăn mềm to để hứng và lau dịch mũi chảy ra.
Cho đầu bé nghiêng sang bên kia và tiếp tục thực hiện tương tự.
Nếu dịch mũi nhiều và đặc, mẹ có thể dùng các dụng cụ rửa mũi để hỗ trợ, như xi lanh, bình rửa mũi, bình xịt mũi…. Tuy nhiên cần thực hiện nhẹ nhàng, đúng cách tránh gây tổn thương niêm mạc mũi cho trẻ.
Lưu ý khi vệ sinh mũi cho trẻ
Nên dùng nước muối pha sẵn bán ngoài hiệu thuốc, không tự ý pha nước muối vì có thể không đúng tỷ lệ (0,9%).
Trước khi nhỏ mũi cần làm sạch lọ nước muối sinh lý, tránh lây lan vi khuẩn.
Ngâm lọ thuốc nhỏ mũi vào nước ấm trước khi rửa.
Thao tác thực hiện nhẹ nhàng, tránh rửa mạnh tay khiến bé sợ hãi, giãy giụa.
Trên đây là hướng dẫn cách rửa mũi cho trẻ để các bố mẹ tham khảo và áp dụng. Cần thực hiện kiên trì và đều đặn để mang lại hiệu quả tốt nhất. Trường hợp không thuyên giảm, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị đúng cách.