Bệnh dại do bị chó cắn hầu hết đều dẫn đến tử vong. Vì vậy biết cách xử trí khi bị chó cắn để đề phòng bệnh dại là điều quan trọng mà bất cứ ai cũng cần biết.
Bệnh dại là gì?
Bệnh dại là bệnh do virus Rhabdovirus gây nên, lây lan từ nước bọt của chó, mèo bị dại vào cơ thể thông qua vết cắn. Sau khi vào cơ thể, virus sẽ chạy theo các dây thần kinh ngoại biên đi vào tủy và não với tốc độ rất chậm. Chỉ đến khi virus vào đến não thì người bệnh mới có những biểu hiện lâm sàng nhất định.Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn còn tùy thuộc vào lượng virus vào cơ thể, khoảng cách từ vết cắn đến não, độ nông sâu của vết thương, sức miễn dịch của cơ thể.
Bệnh dại nguy hiểm như thế nào?
Từ khi bị cắn cho đến khi phát bệnh thường kéo dài từ 3-6 tháng, thậm chí có một số trường hợp sau một năm mới phát bệnh. Một khi đã phát bệnh và lên cơn dại thì hầu như 100% các trường hợp đều tử vong mà không có cách nào chữa được.
Phát bệnh dại do chó, mèo cắn thường có hai dạng: Thể viêm não và thể liệt.
Thể viêm não:
Khi virus xâm nhập đến não, người bệnh thường có những triệu chứng như bồn chồn, sợ gió, sợ ánh sáng. Càng về sau triệu chứng càng nặng và xuất hiện những cơn co thắt hầu họng nặng khiến người bệnh không thể nuốt được. Đồng tử người bệnh bị giãn. Có người bị lên cơn cường dương và xuất tinh liên tục cho đến khi chết. Thông thường, từ khi phát dại đến khi chết là khoảng 1 tuần.
Thể liệt:
Người bệnh sẽ bị liệt dần từ chân lên làm rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Đến khi liệt lên đến hệ hô hấp thì sẽ tử vong.
Các bước xử trí khi bị chó cắn cần biết
Mặc dù không phải tất cả những người bị chó cắn đều phát dại, do việc phát dại còn tùy thuộc vào virus. Nhưng chúng ta không thể biết được ai sẽ phát dại, ai không bị. Do vậy, cần thực hiện ngay 3 bước xử trí khi bị chó cắn dưới đây để đề phòng bệnh dại:
- Ngay sau khi bị chó cắn, cần lập tức rửa vết thương dưới vòi nước hoặc xà phòng đặc trong 15 phút. Sau đó dùng cồn 70 độ hoặc Iốt để làm giảm lượng virus tại vết cắn. Chú ý rửa vết thương nhẹ nhàng, không làm dập nát hay làm vết thương rộng hơn.
- Sau khi rửa vết thương, cần đưa người bị cắn đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được kiểm tra và chỉ định tiêm phòng. Đồng thời thông báo cho bác sĩ biết về tình trạng con vật cắn.
- Tuyệt đối không được đánh chết chó sau khi bị cắn, mà cần theo dõi chó trong vòng 15 ngày sau khi cắn. Nếu thấy chó có những biểu hiện bất thường như ốm, mất tích, lăn ra chết…. thì cần đến gặp bác sĩ ngay để kiểm tra và theo dõi.
Khi thực hiện đúng 3 bước xử trí khi bị chó cắn như trên sẽ hạn chế tối đa nguy hiểm cho người bị cắn.
Các biện pháp phòng chống bệnh dại
Để phòng chống bệnh dại do chó , mèo cắn, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống sau đây:
- Chủ động tiêm chủng phòng dại với những đối tượng có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus dại, như cán bộ thú y, người nuôi dạy thú, người làm nghề giết mổ chó, người thường xuyên làm việc nơi có nhiều chó dữ…
- Khi bị chó cắn cần tiến hành tiêm vắc xin phòng chống dại càng sớm càng tốt.
- Khi nuôi chó, mèo cần cho vật nuôi tiêm phòng dại đầy đủ và đúng lịch. Khi chó ra ngoài cần đeo rọ mõm, hạn chế thả rông.
- Không tiếp xúc với chó, mèo nghi dại.
- Khi phát hiện ra chó, mèo dại cần báo ngay với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trên đây là những điều cần biết về bệnh dại cũng như cách xử trí khi bị chó cắn. Trang bị tốt kiến thức chính là phương pháp phòng ngừa và bảo vệ hữu hiệu nhất cho bản thân và những người xung quanh.