Tết đến, sau một năm vất vả, gia đình hối hả chuẩn bị đồ ăn thức uống, dọn dẹp nhà cửa để chào mừng năm mới. Nhưng nhiều khi chúng ta quên rằng cần chuẩn bị thuốc – vật phẩm mà khi đã cần đến thì không có không được. Ở bài viết này, BS. Vũ Thị Ánh đưa ra lời khuyên để giúp chúng ta chuẩn bị đầy đủ tủ thuốc gia đình khi tết đến!
- 1. Vật tư dùng để sơ cứu cần có trong tủ thuốc gia đình khi tết đến
- 2. Thuốc giảm đau, hạ sốt Paracetamol và nhiệt kế
- 3. Thuốc điều trị tiêu chảy và Oresol
- 4. Thuốc trị đầy bụng, khó tiêu
- 5. Thuốc điều trị táo bón
- 6. Thuốc điều trị đau dạ dày
- 7. Thuốc điều trị bỏng nhẹ
- 8. Thuốc say tàu xe
- 9. Que test nhanh COVID – 19, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế
1. Vật tư dùng để sơ cứu cần có trong tủ thuốc gia đình khi tết đến
Trong những ngày nghỉ tết, công việc nấu nướng dọn dẹp bề bộn thì việc vô tình đứt tay hay trầy da, xước xát là chuyện bình thường, đặc biệt với trẻ em. Vì vậy, trong tủ thuốc gia đình khi tết đến không thể thiếu được vật tư y tế sơ cứu thông dụng.
Đơn giản nhất, cần có nước muối sinh lý 0,9% (không nên dùng oxy già), thuốc sát trùng Povidone-iodine (hay Betadin), băng gạc, miếng dán vết thương (urgo).
Nếu có vết thương ngoài da, chảy máu, trầy xước thì thực hiện sơ cứu theo trình tự sau:
- Bước 1: Rửa vết thương bằng nước.
- Bước 2: Rửa vết thương với nước muối sinh lý.
- Bước 3: Sát khuẩn bằng Povidone iod.
- Bước 4: Dùng băng gạc để che vết thương và dán băng keo vừa đủ không quá chặt.
2. Thuốc giảm đau, hạ sốt Paracetamol và nhiệt kế
Thuốc giảm đau hạ sốt Paracetamol luôn cần có trong tủ thuốc gia đình dịp tết đến vì công dụng phổ biến của nó. Gia đình có trẻ em nên dự phòng thêm Paracetamol dạng đặt hậu môn, trẻ em từ 2 tuổi trở xuống thì nên dùng Paracetamol chế ở dạng siro vì dễ uống.
Dùng Paracetamol để hạ sốt khi nhiệt độ từ 38,5 độ trở lên. Liều chỉ định là 10 – 15 mg/kg cách nhau mỗi 4 đến 6 giờ. Nếu dùng quá liều có thể gặp trường hợp ngộ độc Paracetamol.
Nhiệt kế cũng là vật tư y tế rất thông dụng và cần thiết nhưng nhiều gia đình chưa có, nhiệt kế điện tử có trường hợp sai số nhưng dễ dùng hơn nhiệt kế thủy ngân. Đặc biệt nếu gia đình có trẻ em thì nên dùng nhiệt kế điện tử vì giúp đo nhiệt độ nhanh chóng, tránh được trường hợp rơi, vỡ hay trẻ cắn vào miệng.
3. Thuốc điều trị tiêu chảy và Oresol
Ngày tết đến xuân về cũng là lúc hệ tiêu hóa phải chịu nhiều áp lực, chúng ta ăn không đúng bữa, ăn nhiều và không như thói quen thường ngày nên đau bụng đi ngoài, tiêu chảy là khá thường gặp. Mặc dù về lý thuyết thì tiêu chảy là phản ứng đào thải của đường tiêu hóa, nhiều khi không cần điều trị cũng có thể tự khỏi nhưng thực tế thì việc tiêu chảy làm người bệnh vô cùng khó chịu, bất tiện, đặc biệt là ngày tết người đến thăm hỏi, người chơi nhà rất nhiều, vì vậy việc điều trị tiêu chảy trong trường hợp này là điều trị triệu chứng với những ca tiêu chảy nhẹ ở người lớn.
2 loại thuốc không kê đơn nên dự phòng để uống khi tiêu chảy là:
- Loperamid: tác dụng làm giảm nhu động ruột, kéo dài thời gian thực phẩm di chuyển qua đường tiêu hóa, tăng thời gian và khả năng hấp thu nước trở lại lòng ruột để tránh mất nước. Nếu bị tiêu chảy thì lần đầu uống 4mg, sau đó nếu vẫn chưa cầm thì sau mỗi lần tiêu chảy lại uống 2mg, chú ý tự điều trị tại nhà thì không dùng liều lượng nhiều hơn 8mg/ ngày.
- Bismuth hoặc Pepto Bismuth: Bismuth là loại thuốc có công dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, cũng làm giảm tiêu chảy và giảm mất nước. Mỗi khi tiêu chảy có thể dùng Bismuth với liều 524mg, không được phép tự ý điều trị nhiều hơn 8 lần/ ngày.
Ngoài việc dùng thuốc cầm tiêu chảy thì người bệnh cũng cần chú ý bổ sung nước, oresol để tránh mất nước. Nếu tiêu chảy kèm dấu hiệu sốt, ỉa máu thì cần đi bệnh viện để tìm nguyên nhân và sử dụng thuốc phù hợp, không tự ý điều trị tại nhà.
2 loại thuốc với liều lượng như trên cũng không được dùng cho trẻ em, trẻ em tiêu chảy có nguy cơ mất nước, sốt, ỉa máu cần đưa đến bác sĩ không thể chủ quan.
Tiêu chảy tại nhà trong dịp tết thường nghĩ đến vấn đề không hợp thực phẩm và không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nên ngoài việc sử dụng thuốc cầm tiêu chảy cũng cần chú ý tránh các thực phẩm gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa như đồ cay nóng, caffein hay thực phẩm có nhiều nguy cơ kí sinh trùng như rau sống.
4. Thuốc trị đầy bụng, khó tiêu
Đầy bụng khó tiêu cũng là triệu chứng hay gặp khi chúng ta ăn quá nhiều vào dịp tết. Một số thuốc điều trị triệu chứng có thể giúp người bệnh dễ chịu hơn là:
- Thuốc chứa Alpha galactosidase (VD thuốc Neopeptin): những loại thuốc này sẽ giúp phân hủy đường trong thực phẩm và giúp tiêu hóa tốt hơn.
- Men vi sinh lợi khuẩn tiêu hóa Biolac 500mg
- Vấn đề đầy bụng khó tiêu không dùng thuốc mà điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động cũng có thể cải thiện. Tránh ăn quá nhiều một lúc, chia làm nhiều bữa, ăn chậm nhai kĩ, tránh các thực phẩm từ sữa, bơ, nước uống có gas,…
5. Thuốc điều trị táo bón
Táo bón có thể do nhiều nguyên nhân và trong dịp tết thường là do ăn không đủ chất xơ, uống không đủ nước, ít vận động hoặc đi du lịch, đi về quê thay đổi hoàn cảnh vệ sinh nên không quen. Nếu táo bón kéo dài cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị nguyên nhân. Chỉ xét về điều trị triệu chứng, điều trị táo bón sẽ phổ biến dùng thuốc nhuận tràng.
Thông dụng nhất là nhóm nhuận tràng thẩm thấu hay chính là thuốc lactulose (dùng theo liều 20-40g/ ngày), hoặc dùng Sorbitol (liều dùng 10 – 20 g/ ngày). Có thể kết hợp thêm với loại thuốc nhuận tràng cơ chế tăng tạo khối lượng phân như Psyllium, Methylcellulose.
Ngoài ra, về chế độ ăn uống, người bị táo bón cần chú ý ăn bổ sung chất xơ, uống đủ nước mỗi ngày, tăng cường vận động.
6. Thuốc điều trị đau dạ dày
Ăn nhiều đồ ăn cay nóng, uống nhiều rượu bia là nguyên nhân thường gặp gây tổn thương niêm mạc dạ dày và gây đau dạ dày mỗi dịp tết. Đau dạ dày cần kiểm tra có phải do HP hay không, cần phải kiểm tra các tổn thương kèm theo, vì thế người viêm loét dạ dày cần tới bệnh viện thăm khám để có phác đồ điều trị phù hợp.
Tuy nhiên, dịp tết khi đau dạ dày có thể dùng thuốc để giải quyết cơn đau trước. 2 nhóm thuốc kết hợp điều trị để giảm đau tạm thời và nhanh thường dùng là :
- Thuốc trung hòa acid dịch vị antacid: Ví dụ một vài loại thông dụng như Maalox, Magnesi hydroxyd, Magnesi carbonat, Phosphalugel.
- Thuốc ức chế H2: Ranitidin (Zantac): 300mg; Nizatidin (Acid): 300mg hoặc Famotidin: 40mg.
2 loại thuốc kết hợp sẽ giúp giảm cơn đau dạ dày nhanh và có thể uống thêm liều vào sáng ngày hôm sau trước khi ăn. Tuy nhiên, nếu không giảm đau, bạn cần đến viện kiểm tra và điều trị.
7. Thuốc điều trị bỏng nhẹ
Khi nấu nướng các mẹ các chị có thể bị bỏng và rất rát, nếu không giữ vệ sinh có thể lên mủ và thành sẹo từ vết bỏng nhỏ. Vì vậy bác sĩ khuyến cáo gia đình dự phòng 2 loại thuốc bôi bỏng để trong tủ thuốc gia đình dịp tết là Pathenol và Biafine. Tuy nhiên, thuốc bôi bỏng tại nhà chỉ dùng cho trường hợp bỏng nhẹ, bỏng diện hẹp và không đáng ngại, nếu bỏng diện rộng, bỏng sâu bạn cần tới bệnh viện.
8. Thuốc say tàu xe
Việc dùng thuốc chống say tàu xe có thể tham khảo thông tin sau:
- Cinnazidin, Meclizine, Promethazin là nhóm thuốc kháng histamin, có tác dụng giảm nôn, chóng mặt, đau đầu. Ngoài dùng để giảm say tàu xe còn dùng trong đơn thuốc điều trị rối loạn tiền đình.
- Hyoscine là nhóm thuốc có cơ chế làm giảm nhu động dạ dày, giảm co thắt dạ dày, giảm nôn.
9. Que test nhanh COVID – 19, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế
Đại dịch COVID – 19 còn chưa đi qua, để có một cái tết đầm ấm sum vầy bên người thân, gia đình, chúng ta phải hết sức nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Nước rửa tay khô, khẩu trang y tế là hai vật dụng luôn phải mang theo bên mình, nếu nghi ngờ lây nhiễm hãy liên hệ chính quyền, cơ quan y tế để báo cáo kịp thời, mang lại cái tết đoàn viên cho mọi bà con lối xóm.
Ngày tết đã đến gần, dù còn nhiều việc cần làm, còn nhiều cơ sự băn khoăn, có nhiều lỗi lo trên vai nhưng năm qua, chúng ta đã cố gắng, đã kiên cường, bác sĩ chúc tất cả gia đình đều được mạnh khỏe, bình an, cùng chào đón năm mới!