Khám vú là biện pháp đơn giản và cơ bản nhất để tầm soát ung thư vú. Tất cả các bạn nữ sau khi hành kinh đều nên có thói quen tự khám vú tại nhà ít nhất 1 tháng 1 lần để phát hiện sớm bất thường nếu có. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách tự khám vú tại nhà chuẩn xác, toàn diện, tỉ mỉ trong bài viết này. Hãy lưu lại để mỗi lần đều thực hiện đúng các thao tác bạn nhé!
1. Tự khám vú tại nhà thường xuyên lợi ích thế nào?
Bệnh lý về vú không ít, có bệnh lý lành tính, có bệnh lý ác tính. Việc tự khám để phát hiện sớm các bất thường và đến bệnh viện kiểm tra sẽ giúp ích rất nhiều cho sự thành công trong điều trị. Các mẹ cũng nên truyền đạt kiến thức cần thiết này với con gái khi đến tuổi dậy thì để con tự biết cách chú ý bản thân tỉ mỉ hơn.
Mỗi tháng, kể từ tuổi có hành kinh, chị em phụ nữ nên tự kiểm tra vú của mình ít nhất 1 tháng 1 lần. Vú của người trưởng thành sẽ đáp ứng với những thay đổi của nội tiết tố trong chu kì kinh nguyệt và có sự gia tăng thể tích. Kích thước vú nhỏ nhất vào ngày thứ 8 của chu kì kinh. Đây cũng là thời điểm lý tưởng nhất để thực hiện thăm khám tuyển vú hay làm các phương pháp cận lâm sàng liên quan.
Với phụ nữ đã từng phẫu thuật cắt tử cung hoặc mãn kinh, nên chọn khám vú vào một ngày cố định để tránh quên.
Nếu bạn phát hiện các dấu hiệu như u cục ở vú, hạch, đau vú, tiết dịch núm vú, chảy máu từ núm vú, đầu vú co rút, màu sắc da bất thường thì cần tới bệnh viện để kiểm tra ngay. Đặc biệt tránh tâm lý “sợ hãi ung thư” hay ” ngại ngùng vì tế nhị”.
Vậy, nếu bạn thực hiện đúng các thao tác khám vú, bạn cần nhận xét được:
- Các dấu hiệu bất thường ở vú
- Phát hiện khối u vú và hạch lân cận
- Có định hướng bước đầu là lành tính hay ác tính
Các bước thực hiện cụ thể để đánh giá được những vấn đề trên thế nào, cùng tiếp tục tìm hiểu nhé!
2. Những điểm cơ bản về giải phẫu vú
Khi thăm khám tuyến vú, cơ bản nhất, bạn cần ghi nhớ tuyến vú được chia làm 4 phần, đó là: 1/4 trên ngoài, 1/4 trên trong, 1/4 dưới ngoài, 1/4 dưới trong. Việc biết sự phân chia về mặt chuyên môn này sẽ giúp bạn mô tả tốt hơn để bác sĩ hiểu được vấn đề bạn thắc mắc và cũng giúp bạn hiểu các tài liệu chuyên môn liên quan đến các bệnh lý tuyến vú dễ dàng hơn.
3. Chuẩn bị trước khi tự khám vú tại nhà
- Sau sạch kinh vài ngày
- Có gương lớn soi được hết vùng ngực
- Ánh sáng đầy đủ
- Bộc lộ toàn diện phần thân trên
- Khám so sánh vú hai bên với nhau
- Chú ý toàn bộ lồng ngực và sờ các vị trí hạch vùng lân cận
4. Cách tự khám vú tại nhà
Sau khi bộc lộ phần thân trên cơ thể, đứng trước gương lớn trong điều kiện ánh sáng tự nhiên, bạn thực hiện khám vú theo trình tự Nhìn – Sờ – Khám hạch vùng
Bước 1: Nhìn:
Trước hết, nhìn ở tư thế đứng trước gương, hai tay xuôi theo thân người, quan sát và đánh giá các yếu tố sau:
- So sánh độ lớn, độ cao của hai núm vú
- Quan sát màu sắc và mật độ da vú, chú ý vùng đỏ hoặc phù nề, đó là dấu hiệu viêm, áp xe vú.
- Xem da vùng vú có bị chằng kéo không
- Quầng vú bị kéo lệch, núm vú bị kéo lên hay thụt vào cũng là dấu hiệu ác tính
- Chú ý xem có dịch, máu chảy ra từ núm vú hay không
Sau khi quan sát kĩ ở tư thế xuôi tay, đổi sang tư thế đưa hai tay thẳng lên đầu để nhìn vú từ các hướng khác nhau và đánh giá lại những yếu tố trên.
Bước 2: Sờ:
Sờ là thao tác chủ yếu để khám tuyến vú. Trước hết, sờ ở tư thế đứng. Bạn đưa tay phải ra sau đầu, dùng tay trái khám vú phải, rồi đổi bên. Khi khám cần thực hiện đúng kĩ thuật sờ.
Bàn tay mở rộng, khép các ngón tay lại và dùng phần phẳng của phần ngón tay để sờ, rà theo từng phần tư của vú theo hướng khám trên và dưới từ trái qua phải hoặc khám theo hình xoắn ốc bắt đầu từ núm vú đi ra ngoài, đè ép nhẹ nhàng vú vào thành ngực chứ không thể dùng cả lòng bàn tay hoặc dùng hai ngón tay để kẹp mô vú.
Mục đích của việc sờ là tìm những u cục tuyến vú, đánh giá số lượng, vị trí, mềm hay chắc, di động hay không di động.
Sau khi sờ ở tư thế đứng thì thực hiện ở tư thế nằm. Chú ý tư thế nằm ngửa, dùng gối kê dưới vai, khi khám nửa ngoài vú thì xuôi tay theo thân mình, khi khám nửa trong thì tay giơ lên đầu.
Bước 3: Khám hạch:
Hạch rất có ý nghĩa trong việc chẩn đoán và tiên lượng ung thư. Cần chú ý khám hạch ở vùng nách, khi khám nách trái thì dùng tay phải và ngược lại, bàn tay đặt sâu vào hố nách, các ngón tay cong cong lần lượt rà soát, lần lượt đi từ trên xuống dưới, từ sau ra trước tránh bỏ sót.
Khi khám thấy hạch thì cần xác định các yếu tố: số lượng, kích thước, đau hay không đau, di động hay không. Các hạch di căn thời gian đầu thường không đau.
Điều lưu ý quan trọng là khám vú cần so sánh hai bên. Thấy bất thường cần nhanh chóng tới bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, tư vấn.
5. Đánh giá bất thường tại vú
- Tuổi tác cũng là yếu tố quan trọng đánh giá bệnh lý tuyến vú lành tính hay ác tính: thông thường, ở tuổi dưới 30, bệnh lý ung thư vú hiếm gặp. Trên 35 tuổi, nguy cơ cao hơn.
- Một số dấu hiệu bệnh lý:
6. Phân biệt bệnh vú lành tính hay ác tính
Bệnh vú lành tính được định nghĩa là tất cả các bệnh lý tuyến vú, ngoại trừ ung thư vú và các bệnh lý nhiễm trùng vú. Các bệnh vú lành tính hay gặp như:
- Bệnh xơ nang tuyến vú: Lứa tuổi hay gặp là sau 30 tuổi, đa số 40 đến 50 tuổi. Triệu chứng hay gặp là đau vú theo chu kì, xuất hiện khoảng 1 tuần trước khi hành kinh và biến mất sau hành kinh. Khi sờ sẽ thấy có khối u thường vị trí 1/4 trên ngoài, tròn, hơi cứng, giới hạn rõ. Có tăng thể tích vú.
- U xơ tuyến vú: Bệnh lý này bắt đầu trước 35 tuổi, chiếm 19% trong số các bệnh vú lành tính. Khác với xơ nang tuyến vú, u xơ tuyến vú không liên quan đến chu kì kinh nguyệt, sờ thấy khối u chắc, di động dưới da, không đau. Bệnh này không làm tăng nguy cơ ung thư vú
- Dãn ống dẫn sữa: Tuổi chủ yếu là 25 đến 50. Dấu hiệu thường là tiết dịch ở núm vú, có thể một hoặc hai bên, thường dịch màu xám hoặc dịch trong. Bệnh lý này không cần điều trị gì nếu loại trừ ung thư.
Định hướng phân biệt bệnh vú lành tính hay ác tính dựa vào các tính chất sau:
Tuy nhiên, việc khám vú tại nhà chỉ là sơ bộ bước đầu để phát hiện tổn thương sớm và vào viện kiểm tra, chị em không nên chủ quan tự đánh giá lành tính hay ác tính mà cần vào viện để có bác sĩ chuyên môn thăm khám cũng như thực hiện cận lâm sàng cần thiết cho chẩn đoán.
Bài viết trên đây bác sĩ đã hướng dẫn cụ thể cách tự khám vú tại nhà để chị em có thể sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường tại vú nếu có. Thường xuyên truy cập chaobacsi.org để cập nhật nhiều tin tức hữu ích hơn bạn nhé!