Tỉ lệ dậy thì sớm của trẻ em trong những thập kỷ gần đây càng lúc càng tăng cao, nhưng có vẻ như điều đó còn phát triển mạnh hơn trong đại dịch COVID-19 – đặc biệt là các bé gái. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân tỉ lệ trẻ em gái dậy thì sớm tăng đột biến trong đại dịch Covid nhé.
Các báo cáo từ khắp nơi trên thế giới cho thấy số lượng các trường hợp dậy thì sớm ở trẻ em gái tăng cao tới mức đáng kinh ngạc trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19. Không ai biết rõ tại sao điều này xảy ra như vậy, nhưng các nhà khoa học đã tìm ra một vài lí do có thể giải thích mối liên hệ khó hiểu này.
Dậy thì sớm ở trẻ em
Tuổi bắt đầu dậy thì trung bình của bé gái là 11, còn bé trai là 12. Nhưng cũng giống như hầu hết các quá trình sinh học, có rất nhiều trường hợp biến thể của quá trình này và việc dậy thì bắt đầu ở bất kỳ thời điểm nào sau 8 tuổi ở trẻ em gái và 9 tuổi ở trẻ em trai đều có thể coi là bình thường.
Dậy thì sớm là từ dùng để chỉ thời điểm trẻ em dậy thì trước các mốc thời gian bình thường. Hiện tượng này xuất hiện phổ biến hơn ở trẻ em gái nhưng vẫn tương đối hiếm, chỉ ảnh hưởng đến 1% hoặc ít hơn dân số ở Hoa Kỳ.
Nhìn chung trẻ em dậy thì ngày càng sớm hơn trong những thập kỷ gần đây. Có nhiều lý do có thể giải thích cho xu hướng này như tỉ lệ béo phì tăng cao hay tiếp xúc với các hóa chất gây rối loạn nội tiết trong môi trường xung quanh.
Dậy thì sớm xuất hiện nhiều hơn trong đại dịch Covid
Các trường hợp dậy thì sớm được ghi nhận là tăng đột biến kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào đầu năm 2020. Hơn nữa tỉ lệ các bé gái dậy thì sớm trong đại dịch cũng cao hơn trước.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các bác sĩ đã thu thập mẫu từ 359 bé gái và phát hiện ra rằng việc dậy thì trong thời kì đại dịch sớm hơn đáng kể so với trước đại dịch. Nhu cầu điều trị ức chế dậy thì cũng tăng cao trong giai đoạn Covid-19.
Ở Italia, hiện tượng dậy thì sớm cũng gia tăng đáng kể. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Endocrine Connections, có 338 trường hợp nghi ngờ dậy thì sớm từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2020, cao hơn hẳn so với 152 trường hợp trong cùng kỳ năm 2019. Sự gia tăng này đa số chỉ xảy ra ở các bé gái và gần như không có bất kỳ sự khác biệt nào ở trẻ em trai.
Nguyên nhân của hiện tượng này
Thứ nhất, các nhà khoa học cho rằng hiện tượng này có thể có liên quan đến việc mọi người tự cách li trong nhà và ít tập thể dục trong thời gian này. Điều này chắc chắn sẽ gây tăng cân mà tất cả chúng ta đã biết rằng bênh béo phì có liên quan đến hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ em.
Thứ hai, căng thẳng tâm lý giữa đại dịch cũng đóng một vai trò nào đó trong chuyện này.
Cuối cùng, Covid-19 đã làm tăng việc sử dụng các thiết bị điện tử. Không chỉ người lớn sử dụng điện thoại thông minh nhiều hơn mà trẻ em cũng dành phần lớn thời gian trong ngày để học trực tuyến trên máy tính.
Các nghiên cứu đã kết luận việc tiếp xúc với ánh sáng xanh (như ánh sáng phát ra từ điện thoại thông minh và thiết bị điện tử) có thể gây ra việc dậy thì sớm hơn ở chuột cái. Các nhà nghiên cứu cho rằng tất cả là do ánh sáng nhân tạo đã can thiệp vào hormone trong cơ thể. Tuy nhiên cũng có ý kiến nghi ngờ rằng chưa có bằng chứng chắc chắn về việc ánh sáng xanh cũng có ảnh hưởng tượng tự như ở con người.
Một nghiên cứu khác cũng cho rằng việc sử dụng các thiết bị điện tử nhiều lên là nguyên nhân của hiện tượng dậy thì sớm. Tuy nhiên nhân tố ảnh hưởng lại không phải ánh sáng xanh mà là các hóa chất gây rối loạn nội tiết được sử dụng trong quá trình sản xuất các sản phẩm điện tử.
Báo cáo cho biết: “Chất chống cháy được sử dụng rộng rãi trong những thập kỷ qua để giảm khả năng bắt lửa của các thiết bị điện tử. Chúng là chất gây rối loạn nội tiết có thể ảnh hưởng đến quá trình dậy thì của động vật và con người.”
Những ngày khó khăn nhất đã qua và theo Tổ chức Y tế Thế giới, sự kết thúc của đại dịch COVID-19 đã “ở trong tầm mắt”. Hy vọng rằng khi mọi chuyện đã lắng xuống và có nhiều dữ liệu nghiên cứu hơn, chúng ta có thể tìm ra lời giải thích đằng sau hiện tượng kì lạ này.
Bạn có thể đọc thêm: